Thống kê truy cập

Online : 5533
Đã truy cập : 150561734

Phát huy vai trò huyết mạch của nền kinh tế

27/08/2024 16:31 Số lượt xem: 126

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách… là yêu cầu cấp thiết để nền kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Trong xu thế hội nhập quốc tế, càng thấy rõ vai trò “đi trước, mở đường” của giao thông, vận tải, vừa tháo gỡ các ‘điểm nghẽn”, vừa là cầu nối, động lực phục vụ phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, trung tâm dịch vụ - thương mại, logistics theo định hướng tăng trưởng xanh, bền vững.

Huy động nhân lực, máy móc đồng loạt thi công đường Vành đai 4.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ

Gánh trọng trách huyết mạch của nền kinh tế, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã, đang, tiếp tục đi đúng định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh. Đó là tập trung cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ với các phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật khác, tạo kết nối liên thông, phù hợp với các đô thị thông minh. Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Sở GTVT: Trước mắt, ngành tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên đầu tư các công trình có tính đột phá, bao gồm các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng yếu, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, kết nối liên vùng. Đồng thời tham mưu tỉnh quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm, không gian ngầm theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Để hoàn thành các tiêu chí đó, tỉnh tập trung và huy động tối đa nguồn lực, khuyến khích đầu tư theo phương thức đối tác công, tư; dành quỹ đất hợp lý cho phát triển hạ tầng giao thông, phù hợp với quy hoạch chung. Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông theo các quy hoạch ngành, quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh tập trung nguồn lực hoàn thành và khai thác 4 tuyến cao tốc, tổng chiều dài đạt khoảng 190km; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường tỉnh đạt khoảng 420 km vào năm 2030. Các tuyến giao thông trọng yếu đã, đang, tiếp tục được ngành Giao thông dồn lực thực hiện. Điển hình là dự án giao thông trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4- Vùng thủ đô Hà Nội, địa phận tỉnh Bắc Ninh, chiều dài hơn 35km đang chạy đua cùng thời gian, dự kiến về đích trước kế hoạch. Thực hiện nghiêm các kết luật, thông báo, văn bản đôn đốc của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, trên tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, Sở GTVT phối hợp chặt chẽ cùng các huyện, thị xã, thành phố liên quan gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 10ha diện tích đất ở, đất giao trái thẩm quyền, đất ao vườn xen kẹp…còn lại, chiếm khoảng 2,3% diện tích đất thu hồi phục vụ dự án để bàn giao mặt bằng thi công liền mạch; chỉ đạo chủ đầu tư đôn đốc, giám sát nhà thầu trong thi công dự án. Hiện nay, dự án thành phần 1.3 tổ chức di dời, hoàn trả các hạng mục hạ tầng kỹ thuật điện, nước từ tháng 9; tích cực triển khai xây dựng 10/12 khu tái định cư (2 khu đã cơ bản hoàn thành), phấn đấu hoàn thiện và tổ chức tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất trong quý I- 2025; giá trị giải ngân đạt 61,54% kế hoạch vốn năm 2024. Đối với dự án thành phần 2.3, tập trung đẩy nhanh thi công đồng loạt 3 gói thầu 14,15,16, giá trị giải ngân đạt 74% kế hoạch vốn giao năm 2024. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án xây dựng giao thông cam kết hoàn thành các gói thầu sớm hơn từ 4-6 tháng so với hợp đồng xây dựng. Khí thế khẩn trương, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công, về đích đúng cam kết ấy đang được thực hiện ở tất cả các dự án đầu tư xây dựng giao thông trọng điểm của tỉnh. Tiếp nối thành công của dự án xây dựng cây cầu huyền thoại Kinh Dương Vương nối 2 bờ sông Đuống, dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương chính thức được UBND tỉnh phê duyệt, tổng mức đầu tư hơn 2.182 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, vốn ngân sách 2 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương. Dự án dự kiến khởi công xây dựng trong tháng 9. Đây là một mắt xích quan trọng, tạo sự bứt phá nhanh trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ hiện đại, tiệm cận các đô thị thông minh, có tính kết nối cao của tỉnh, tạo lực đẩy quan trọng đưa Bắc Ninh phát triển lên tầm cao mới, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.

Phát triển đa dạng các loại hình vận tải

Song hành cùng nhiệm vụ xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, ngành Giao thông vận tải chú trọng phát triển đa dạng các loại hình vận tải, kết nối liên thông giữa các phương thức vận tải, định hướng phát triển hệ thống giao thông ngầm, không gian ngầm theo mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng. Đề án “Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” nhằm thiết lập mạng lưới tuyến vận tải hành khách hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang trình UBND tỉnh thông qua, thực sự minh chứng cho sự nỗ lực của ngành Giao thông trong phát triển vận tải theo phương thức văn minh, hướng tới mục tiêu phát triển giao thông xanh và bền vững. Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 tuyến xe buýt, gồm 6 tuyến ngoại tỉnh, 7 tuyến nội tỉnh. Các tuyến xe buýt ngoại tỉnh giữ vai trò kết nối Bắc Ninh với các tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương. Các tuyến xe buýt nội tỉnh phủ khắp tất cả các huyện, thị xã, thành phố, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, giảm tải áp lực giao thông, giảm tai nạn giao thông. Với mục tiêu tiếp tục phát triển bền vững giao thông, khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở GTVT xây dựng, trình tỉnh kế hoạch, phương án phát triển hệ thống xe buýt phù hợp với thực tiễn, tiệm cận các đô thị thông minh trong nước và thế giới. Trong  giai đoạn 2024 - 2035 sẽ bao gồm 13 tuyến xe buýt hiện có và mở mới 6 tuyến xe buýt. Mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, tạo thói quen đi lại của người dân, vì vậy, ưu tiên dùng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến mới mở và điều chỉnh thay thế từ xe buýt dùng nhiên liệu Diezen sang xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các tuyến đang khai thác. Tần suất các tuyến được tăng lên, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân; thời gian hoạt động các tuyến buýt từ 5h30-19h30 hàng ngày, tần suất chạy xe 10-20 phút/lượt vào giờ cao điểm và 20-30 phút/lượt vào giờ bình thường. Để hoàn thành mục tiêu của Đề án, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh sớm đầu tư và hiện đại hóa các hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng theo từng giai đoạn bao gồm điểm đầu-cuối, điểm dừng đỗ, bãi đậu xe qua đêm; bố trí thêm quỹ đất dành cho giao thông công cộng; đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khi đầu tư mua, thay mới phương tiện xe buýt... Đồng thời xây dựng hệ thống quản lý xe buýt thông minh nhằm cung cấp thông tin thời gian thực cho xe buýt, xử lý các dữ liệu và phân tích dữ liệu, cung cấp cho các nhóm đối tượng lái xe, hành khách, công ty vận hành xe buýt và cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm tối ưu các dịch vụ phục vụ nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển bền vững, để giao thông, vận tải thực sự là huyết mạch của nền kinh tế./.

 

Ban Quản lý dự án xây dựng giao thông – Sưu tầm
Nguồn: https://baobacninh.vn/phat-huy-vai-tro-huyet-mach-cua-nen-kinh--1-91186.html